Phần mềm giúp tự động khóa máy tính bắt buộc chúng ta giải lao [Win]

Có lẽ có quá nhiều công việc trong thời hiện đại liên quan và sử dụng máy vi tính, khi giờ đây những chiếc máy tính mạnh mẽ được tận dụng giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, kết nối con người, chia sẻ thông tin v.v. Nhưng một trong những tác hại là chúng ta thường ngồi quá lâu trước máy vi tính. Tác hại của việc ngồi lâu trước máy tính thì khá nhiều, đây là một bài viết hay về những tác hại ấy: The health hazards of sititng. Tôi xin tóm tắt những tác hại ấy là: Bệnh tim mạch, ung thư ruột, tụy, đãng trí, đau lưng ...

Bạn nên thỉnh thoảng rời khỏi bàn làm việc, thực hiện một vài động tác thể dục nhẹ hoặc đi dạo. Nhưng thường là chúng ta không nhớ đến nó, hoặc có nhớ mà không muốn đứng dậy. Một giải pháp giúp chúng ta là sử dụng phần mềm hỗ trợ tự động khóa máy sau một khoảng thời gian nhất định, khi đó ta buộc phải dừng công việc vì nghỉ ngơi.

Sau khi tìm kiếm khá lâu trên mạng, sử dụng nhiều phần mềm khác nhau được cộng đồng mạng giới thiệu, tôi thấy rằng phần mềm tốt nhất là Eyes Relax, các bạn có thể tải về tại đây: http://themech.net/eyesrelax/, hoàn toàn miễn phí.

Xin giới thiệu một chút về cách hoạt động của Eyes Relax. Phần mềm này sẽ khóa máy của bạn sau một khoảng thời gian do chúng ta đặt trước. Nếu bạn chọn chế độ không thể cancel, bạn chỉ có cách là đi chơi đâu đó chờ cho hết thời gian, thật tuyệt phải không. Khi bạn quay lại bàn làm việc và bắt đầu sử dụng chuột và bàn phím, phầm mềm mới bắt đầu đếm lại.

Cài đặt: Việc cài đặt không có gì phức tạp. Phần mềm có cung cấp chế độ nghỉ ngắn (short breaks) và nghỉ dài (long break), nhưng tôi thì chỉ cần ngắt máy sau mỗi 30 phút làm việc. Nếu bạn chỉ cần giống như tôi, bạn có thể làm theo như sau
  • Tải phần mềm: installer download link
  • Cài đặt phần mềm
  • Mở setting bằng cách chuột phải vào biểu tượng trên taskbar
  • Chọn short breaks, thời gian làm việc (working time) là 30 phút, thời gian nghỉ (break time) là 5 phút (300s)
  • Không chọn 'allow to cancel break'



Vậy là xong, giờ đây bạn bắt buộc phải nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc.

Nếu bạn muốn biết tại sao phần mềm này là tốt nhất, tôi xin chia sẻ một chút quá trình tìm kiếm của tôi. Tôi đã thử hầu hết những phần mềm được mọi người đề nghị trên mạng:

  • Phần mềm đầu tiên tôi tìm được là Scirocco Take a Break. Phần mềm này nhắc nhở tôi nghỉ ngơi, nhưng không bắt buộc, vì vậy tôi có thể cancel và tiếp tục ngồi lại. 
  • Workrave giải quyết vấn đề của Scirocco. Máy tôi bị khóa hoàn toàn và tôi phải đứng dậy. Nhưng cách đếm giờ của Workrave dựa trên hoạt động của chuột và bàn phím. Nếu bạn không sử dụng hai thiết bị này một lúc, Workrave sẽ reset lại bộ đếm. Vì lí do này, có khi cả ngày mà workrave không khóa máy của tôi lần nào.
  • Phải tìm khá lâu thêm tôi mới tìm thấy Eyes Relax. Eyes Relax đơn thuần đếm thời gian và khóa máy lại sau khoảng thời gian định sẵn. Khi máy bị khóa, cũng không có cách nào mở được. Tôi đã sử dụng và không thấy lỗi nào phát sinh. Nói chung là một phần mềm tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của tôi, và có khi cả của bạn nữa.

Bạn hãy thử sử dụng Eyes Relax xem nó có giúp bạn vận động nhiều hơn không nhé.

Tuan8.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Lập kế hoạch làm việc

Để làm một công việc một cách hiệu quả, thông thường người ta sẽ bảo bạn hãy tìm cho mình đam mê đích thực. Nhưng sự thực là bạn có tìm mỏi mắt có khi cũng không thấy được cái gọi là đam mê của mình. Mà tìm ra rồi thì hoặc là nó không có tính hiện thực, ví dụ như làm họa sĩ thì bạn sẽ khó mà hỗ trợ được tài chính cho gia đình mình, hoặc là nó chỉ là sở thích (Hobby) chứ không phải là đam mê. Sở thích chỉ là mức rất thấp của đam mê, ví dụ như bạn thích robot, bạn có thể ra tiệm đồ chơi, mua mô hình về lắp ráp và thấy rất là happy về điều đó. Bạn quyết định trở thành kĩ sư về robot. Khi bạn bước vào rồi mới thấy rằng nó không phải đơn thuần thú vị như lắp ráp lego, bạn phải đương đầu với các kiến thức toán rất nặng nề và chỉ để giải quyết một phần rất nhỏ của một robot tổng thể, và khả năng rất cao là bạn sẽ thấy chán nản dù mê đến mức nào, bởi khó khăn sẽ sinh ra chán nản. Như vậy, nhìn một cách tổng thể, chúng ta sẽ thường phải làm việc trong áp lực, chán nản và ít đam mê.

Cách tốt nhất để chúng ta đạt được mục đích của mình là hãy đặt ra mục tiêu, rồi khi thực hiện mục tiêu ấy thì có thấy chán cũng có làm việc. Quan trọng nhất là chúng ta cần có kế hoạch. Một kế hoạch tổng quan 5 năm, một kế hoạch trong một năm và kế hoạch hàng ngày. Nhìn vào kế hoạch 5 năm hay 1 năm, ta biết ngày hôm nay ta làm việc vì cái gì. Còn kế hoạch ngày hôm nay sẽ giúp ta có thêm nghị lực và hoàn thành với kết quả tốt.

Đối với kế hoạch hàng ngày, mỗi buổi sáng tới nơi làm việc, tôi nhìn lại mục tiêu đề ra được thảo từ ngày hôm trước. Tôi phác những việc cần hoàn thành trong ngày hôm nay. Khi làm việc, mỗi khi hoàn thành một phần nhỏ công việc, tôi lại ghi lại. Mỗi ngày tôi ghi lại khoảng 10 lần những việc nhỏ như vậy. Nó cho thấy tôi đã hoàn thành công việc đến mức nào rồi, và cho thấy tôi đã làm được những gì, tôi có bị sao nhãng hay không. Khi kế hoạch đề ra đã kết thúc hay sắp kết thúc, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái, không bị lo lắng đè nặng. Cuối buổi, tôi nhìn lại công việc làm được và gạch đầu dòng một vài yêu cầu cho ngày hôm sau.

Tất nhiên việc ghi lại từng chút công việc sẽ chiếm một chút thời gian của chúng ta, nhưng những điều nó đem lại là rất nhiều. Bên cạnh đó, việc luôn chú ý tới các sự kiện nhỏ cũng giúp chúng ta luyện tập bộ nhớ (Cách rèn luyện này được Nguyễn Hiến Lê nhắc tới trong cuốn tương lai trong tay ta). Việc lập kế hoạch cũng sẽ giúp chúng ta tập trung vào công việc hiện tại, vì biết rằng các việc khác đã có thời gian dành riêng cho chúng, không cần phải lo lắng.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Mô hình con người nhiều chữ T của thời đại mới

Tại sao chúng ta nên trở thành chuyên gia trong nhiều hơn một lĩnh vực?

Có lẽ bạn cũng như tôi, sẽ có thắc mắc khi đứng trước một biển kiến thức như ngày nay, cách nào là tốt nhất để chúng ta phát triển được sự nghiệp, có kiến thức chuyên sâu phù hợp. Bài viết này, tôi chia sẻ nhừng điều mà tôi được nghe từ những người khác, những người có kinh nghiệm lâu năm và thành công, chứ không phải là ý của riêng tôi. Tôi đã áp dụng và thấy có hiệu quả, và tôi nghĩ có thể nó cũng giúp ích được cho bạn nữa.

Mô hình kiến thức của một người xin được phép chia thành ba loại, chữ I, chữ T và nhiều chữ T. Người chữ (I) chỉ chuyên sâu về một thứ, giống như chữ I, chỉ đi sâu xuống theo một đường. Họ không biết về các lĩnh vực khác cũng như không biết về các kiến thứ tổng quan. Một ví dụ điển hình là các học sinh mọt sách hay nhiều nhà nghiên cứu. Họ quá mải mê đào sâu lĩnh vực của mình, thiếu hụt kiến thức xã hội. Họ sẽ rất khó phát triển sự nghiệp khi không có các hiểu biết chung, hay nói cách khác là không biết mình đang ở đâu trong nhu cầu của xã hội.

Người chữ (T) là người chữ (I), nhưng có thêm kiến thức tổng quan căn bản, thể hiện bởi dấu gạch ngang trên đầu. Hẳn nhiên, người chữ T sẽ khắc phuc được nhược điểm của người chữ I, họ biết mình ở đâu trong xã hội. Họ phát triển kiến thức chuyên sâu và có thể sẽ thành công. Tuy vậy, những người này vẫn có những nhược điểm. Thứ nhất, giờ đây sự giao thoa giữa các ngành khá mạnh mẽ, chỉ biết về một vấn đề nhỏ sẽ là một bất lợi. Thứ hai, khi họ gặp trở ngại trong việc phát triển chiều sâu chữ T của mình, gặp vật cản, họ sẽ thất bại vì không có sự dự phòng và không có những sự lựa chọn khác.

Để khắc phục nhược điểm của người chữ (T), con người, nhất là người năng động trong thời đại mới, nên theo mô hình nhiều chữ T (TTTT). Chúng ta nên có kiến thức tổng quan để có cái nhìn tổng quát, đồng thời phát triển sâu nhiều hơn một lĩnh vực. Ví dụ như các giáo sư đại học, ngoài nghiên cứu chuyên môn, thông thường đều có tài năng riêng về các lĩnh vực khác như lịch sử, hội họa, văn học. Ta coi như một người có hiểu biết sâu về một lĩnh vực nào đó khi người đó hoàn thành nghiên cứu tiến sĩ. Thời gian trung bình để làm tiến sĩ là 5 năm, như vậy trong quãng đời làm việc của mình, khoảng 30 năm, một người có thể là chuyên gia trong tối đa 6 lĩnh vực khác nhau. Còn tại cùng một thời điểm, chúng ta nên phát triển 3 lĩnh vực song song với nhau. Độ chuyên sâu, hay độ dài của các chữ T, cho mỗi lĩnh vực không nhất thiết phải ngang bằng với nhau.

Có rất nhiều người thành công ủng hộ quan điểm này. Giáo sư Lee Doo Yong thuộc viện KAIST (Hàn Quốc) chia sẻ rằng rất nhiều người mà ông gặp gỡ có nhiều hơn một tài năng. Bản thân ông cũng vừa là một nhà nghiên cứu, vừa là một nhà sử học. Hay như nhà văn Nguyễn Hiến Lê, trong nhiều tác phẩm của ông, từ 60 năm trước đã khuyên người đọc có những đam mê khác ngoài công việc, để khi có gặp khó khăn, nản chí trong công việc thì có thể lẩn mình vào những đam mê đó.

Hãy trở thành người nhiều chữ T. Có kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nhiều hơn là một lĩnh vực. Chúng ta sẽ tận dụng được sự giao thoa giữa các lĩnh vực để đạt được nhiều thành công. Một lợi thế nữa là khi gặp khó khăn trong lĩnh vực này, ta có thể đầu tư sang các lĩnh vực còn lại. Tôi cũng đang cố gắng phát triển bản thân theo mô hình này. Ba lĩnh vực mà tôi đang phát triển là nghiên cứu đồ hoạ máy tính, tìm hiểu về kĩ năng mềm và lịch sử, và viết lách.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Chuyến thăm quan Gunsan và Buan

Chuyến thăm quan cùng các bạn labmate định kỳ hàng năm. Chuyến thăm quan 3 ngày, nhưng ngồi trên xe thì nhiều, tham quan thì ít. Dù sao, cũng có nhiều lý thú. Có vài cái ấn tượng tôi.

Ngày thứ nhất thường mất một thời gian lái xe tới địa điểm thăm quan. Thông thường là ba tiếng. Nếu gần, chúng tôi tự lái xe tới, còn nếu xa, chúng tôi đi tàu cao tốc và thuê xe khi tới. Cách nào thì cũng chỉ mất khoảng ba tiếng. Lần này, chúng tôi tự lái xe.

Địa điểm đầu tiên là một thành cổ ở tỉnh Buan. Mùa đông nên cũng không có nhiều khách thăm quan lắm. Tường thành thì cũng khá kiên cố, nhưng tôi không ấn tượng về tường thành, mà ấn tượng về sự khác biệt của các tầng lớp. Nhà giàu xưa thì nhà gỗ, kiên cố đẹp đẽ. Nhà dân thường thì phải nói là lụp xụp kinh. Vì mất nhiều thời gian lái xe nên ngày hôm đó coi như hết. Chúng tôi trở lại nhà trọ. Trong các chuyến du lịch tập thể, các bạn Hàn thường thuê một nhà, hoặc một phòng lớn có khoảng 2 tới 3 phòng nhỏ, tuỳ vào số lượng người, rồi khi ngủ thì dải chăn ngủ trên sàn. Lần này chúng tôi đi có một nữ, nên mất một phòng, còn thì dải chăn chi chít trong hai phòng còn lại, bao gồm cả phòng khách.


Địa điểm cho ngày hôm sau là bảo tàng côn trùng, chủ yếu là các loại sâu tằm. Tìm đỏ mắt không thấy một con nào quốc tịch Việt Nam, nhưng từ Malaysia, Indonesia, Thailand thì vô số kể. Kể cũng lạ, hay nhộng Việt Nam lên bàn nhậu hết mất rồi. Tôi chỉ thấy thích con cào cào ngội ôm đàn. Bên cạnh là nhiều ảnh dẫn chứng cho việc khán giả trầm trồ khi nó đang chơi lúc còn sống. Cứ tưởng là nó biết gảy đàn thật, hỏi lại người hướng dẫn mới biết bạn ấy chỉ ôm đàn pose hình thôi.

Điểm đến tiếp theo là bảo tàng lịch sử cận đại của tỉnh Gunsan. Có vài điều tôi thích, đó là quân Choson trong game đế chế ngày xưa đóng đô ở tỉnh này và các bạn Hàn từ xưa đã thích ăn đũa sắt chứ không dùng đũa tre.
Một điều nữa là ở Gunsan ngày xưa người ta không chôn người đã mất, mà đặt thi hài lên trên một lớp sỏi đá, đắp rơm làm mái lên xung quanh. Người ta cũng chờ một thời gian để hài cốt tiêu tan hết và mang xương cốt đi chôn ở một nơi khác.


Địa điểm cuối cùng là biển mùa đông ở Buan, nói chung là cũng lạnh. Dù chưa có tuyết nhưng những vách núi đá bên cạnh thì nhiều băng giá. Cảng biển sáng sớm cũng khá vắng vẻ.



Vì chủ yếu đi thăm quan nên không có nhiều hàng lưu niệm. Lại còn là mùa đông nữa. Tôi đành kiếm một viên sỏi ngộ ngộ trên biển, biến nó thành weird boy.

Ngoài ra còn chú nhóc này, thực sự tôi cũng chẳng biết nó họ hàng, con cháu nhà ai. Mà người bán cũng chẳng biết nó gốc gác thế nào, gọi nó là alien.
Ngày cuối cùng của chuyến đi kết thúc bằng món cá sống, các bạn Hàn gọi là Huê (Phát âm là huê). Đồ ăn ở Hàn đa số liên quan đến hải sản. Gần như là ăn sống, hoặc gần sống (Bảo quản giống như làm dưa rồi mang ra ăn luôn, chủ yếu áp dụng cho cua, mực).

                     
        
  
    
   

   
    
     

Nhà khoa học và kĩ sư. Liên hệ tới nền giáo dục

Nhân dịp nghe GS. Lee nói về sự khác nhau giữa kĩ sư (engineer) và nhà khoa học (scientist), tôi thấy có nhiều cái hay và nhiều cái liên hệ tới giáo dục.

Theo GS, nhà khoa học làm vì tò mò, họ làm những điều rất căn bản. Kĩ sư làm để giải quyết một vấn đề cụ thể. Có một nhà thuần khoa học, tức là thuần tuý tò mò mà làm, nhưng không có thuần kỹ sư, vì kỹ sư, vì định nghĩa đầy đủ là giải quyết một vấn đề thực tế bằng phương pháp khoa học. Trong kỹ sư luôn có một phần của nhà khoa học. Nhưng điều giáo sư muốn nhấn mạnh là, trong các trường đại học, người ta đào tạo kỹ sư chứ không phải nhà khoa học. Các bộ môn trong các trường đại học đều lấy tên là mechnical engineering, electrical engineering. Ngay cả có làm tiến sĩ, thì tư duy trong đó vẫn là kỹ sư, vì điều đầu tiên người ta hỏi sẽ là mục đích của anh để giải quyết vấn đề gì.Có nghĩa là mục đích cuối cùng là sử dụng khoa học để giải quyết vấn đề thực tế. Mấu chốt ở đây là như vậy.

Nhìn lại quá trình học tập của học sinh, sinh viên nước ta, ta thấy rằng ta được dạy theo con đường khoa học, tức là học sinh được dạy những thứ sâu xa, siêu đẳng. Học sinh ganh đua nhau để học những thứ là sản phẩm của sự tò mò mà thôi. Học sinh không được dạy giải quyết các vấn đề thực tế. Ngay cả khi vào trường đại học, nhiều khi sinh viên vẫn chưa tiếp cận được để trở thành một kĩ sư, mà có tiếp cận được thì đại học cũng là quá muộn rồi. Điều này quá khác biệt với nhiều nước phát triển, khi nền giáo dục của họ có cách dạy và học hoàn toàn khác.

Đây là những gì quan sát thấy, có lẽ nhiều người biết. Nhưng giải quyết thế nào thì cũng chịu, mà có biết thì chắc cũng bó tay.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Giữ tấm lòng nhân hậu

Xem một đoạn phim ngắn về một ông lão lượm rác với tầm lòng nhân hậu. Ông vẫn giúp đỡ mọi người dù rất nghèo. Ông giúp không vì điều gì cả, ông cứ lẳng lặng giúp đỡ thôi, ko nói lời nào cả. Gương mặt tiều tụy của ông ánh lên một niềm vui nhân hậu.

Rồi ông lão bị nghi oan khi cố giữ đồ ăn cướp từ 2 tên cướp. Ông bị chúng đánh, ông vẫn giữ. Rồi ông phải vào trại giam.

Nhưng lòng nhân hậu đã giúp ông. Ông quá tốt bụng, và những người được ông giúp đã giúp ông. Vẫn khuân mặt đầy nếp nhăn của thời gian, của nét khó nhọc của cuộc sống nhưng đã ánh lên một niềm vui sâu thẳm.

Tôi đã khóc khi nhìn vào gương mặt ông, nhân hậu và thánh thiện. Có lẽ tôi hơi nhạy cảm, hơi thiếu thốn tình cảm. Nhưng nhân hậu và nhạy cảm chẳng có gì là xấu cả, và tôi sẽ vẫn giữ những điều này. Có ý chí, nghị lực và nhân hậu không làm hại gì tới nhau.

Hình như từ trước đến giờ tôi cũng đã thay đổi. Trước kia khi đọc một mẩu truyện, xem một mẩu clip truyền tải một thông điệp, tôi hay cho rằng đó là lý tưởng hóa và phi thực tiễn. Tôi chẳng tin và cũng chẳng cho mình tin và làm theo điều đó. Giờ đây tôi thấy rằng nếu tác giả đã cố gằng truyền tải tâm huyết vào đó, nếu nó làm ta sống có ích hơn thì tại sao lại không làm. Như ông lão tốt bụng trong câu chuyện ấy, cứ giúp đỡ mọi người vì ông lão cảm thông được hoàn cảnh nghèo khó.

À, mà không phải là tôi thay đổi. Tôi vốn vẫn tin vào cuộc đời, vào con người. Vài lần bị lừa làm tôi co mình lại, muốn luyện tập để đối đáp lại cuộc đời. Tôi cố không tin, cố lãnh đạm. Nhưng có lẽ bản chất sâu thẳm của tôi sẽ chẳng thay đổi, ví dụ như hôm nay tôi đã nhận ra điều đó.

Cuộc đời vốn không công bằng thì kệ nó đi, nếu từ sự ko công bằng ấy, mọi người cùng nhau giúp đỡ, vươn lên thay vì ganh ghét, hằn học thì tốt hơn biết bao.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Bạn nhút nhát, hay bạn là người hướng nội

Tôi hay nghĩ mình là người nhút nhát: Suy nghĩ này ám ảnh và làm tôi tự chui vào vỏ ốc. Có nhiều lúc tôi tự giới thiệu trong một cuộc nói chuyện rằng tôi nhát, và thế là một cách tự nhiên tôi co mình lại. Điều này có hại thế nào thì rất rõ ràng, tôi mất đi nhiều cơ hội trong công việc, trong tình cảm. Rồi mãi sau này tôi nhận ra rằng những điều tôi tự áp đặt cho bản thân là thực sự không đúng. Chúng ta hay nhầm tưởng giữa nhút nhát với một tính cách khá phổ biến, đó là hướng nội.

Theo định nghĩa, nhút nhát là sợ những phản ứng tiêu cực từ người khác, còn hướng nội là thích môi trường yên tĩnh, không ồn ào. Người nhút nhát thường sợ sệt không dám làm điều gì đó, vì sợ người khác đánh giá, sợ không hợp ý người đối diện. Có một ranh giới rất nhỏ giữa nhút nhát và hướng nội, nên nếu không tự tin, không nghị lực xây dựng bản sắc của riêng mình, người hướng nội dễ có những biểu hiện nhút nhát.

Số người hướng nội trên thế giới chiếm một tỉ lệ tương đối. Ở châu Âu và châu Mỹ, một nghiên cứu bởi Myers, tỉ lệ người hướng nội khoảng 50%. Ở châu Á, tỷ lệ người hướng nội là cao hơn. Tôi cũng là một người hướng nội, và nếu bạn đang đọc bài viết này, thì khả năng rất cao bạn cũng là một người hướng nội. Khác với nhút nhát, không có gì ta phải ngại ngùng khi là một người hướng nội. Người hướng nội có bản sắc của riêng mình và khả năng thành công không khác, thậm chí là hơn những người hướng ngoại. Vì sao tôi lại nói như vậy. Khi người hướng ngoại bận rộn với các mối quan hệ, các buổi tiệc thì người hướng nội có thời gian một mình và suy nghĩ, và người hướng nội thường có tài năng hơn.

Nhưng thực tế, người hướng nội thường có suy nghĩ sợ sệt và không dám thử sức, bởi theo suy nghĩ thông thường, thành công, bản sắc cá nhân thường đi kèm với năng động, kỹ năng giao tiếp và quản lý. Nhưng thực ra có những trường hợp khác, đôi khi hiệu quả hơn, giúp người hướng nội định hình chính mình và tạo ra sự trân trọng người khác dành cho mình. Hãy dành thời gian và suy nghĩ kĩ về việc bạn muốn người khác nhìn mình như thế nào. Nếu bạn chưa nghĩ ra mình nên làm gì, thì tôi xin chỉ cho các bạn ba cách.

Viết

Trong một nghiên cứu về não, người ta thấy rằng khi viết và khi làm các hoạt động liên quan tới nghiên cứu, hay suy nghĩ giải quyết các vấn đề, cùng một vùng trên não bộ rơi vào trạng thái hoạt động . Vì vậy, luyện tập viết giúp chúng ta phát triển kĩ năng, kiến thức về cuộc sống, đồng thời giúp ta luyện tập bộ não cho công việc. Không phải ngẫu nhiên mà những người thành công, như các giáo sư đại học, những người điều hành các công ty thường cũng giỏi trong viết lách. Chúng ta nên luyện tập viết, không phải là để bắt chước những người đó, mà để luyện tập tri thức của chính mình và tự tạo ra cơ hội.

Viết một comment trên facebook không phải là viết, ban cần đầu tư nhiều hơn. Cách dễ nhất là bắt đầu bằng nhật kí. Bạn tập cho mình thói quan ghi chú lại các sự kiện trong ngày, và nếu có thể, dành thời gian viết về những sự kiện đó hàng ngày, trước khi đi ngủ chẳng hạn. Cách tốt hơn, đó là blog. Ngày nay khi công nghệ rất phát triển, blog là một công cụ cực kì hữu hiệu, nơi mà những người hướng nội có lợi thế. Bạn có thể dành thời gian, định dạng suy nghĩ của mình, và có những thảo luận thực với người khác. Hơn thế nữa, khi người hướng ngoại tập trung vào kinh doanh, những buổi tiệc nhỏ mang tính chất cục bộ, người hướng nội có thể dùng ý tưởng của mình để xây dựng thương hiệu riêng mang tầm quốc gia hoặc quốc tế. Bạn có thể viết về bất cứ vấn đề gì bạn nghĩ tới, hoặc gặp trong ngày. Mỗi ngày một chút, kĩ năng của bạn sẽ trở nên tốt hơn.

Mở rộng quan hệ xã hội - chiến thuật 1-1

“Không ai có thể thành công một mình được", đó là lí do tại sao bạn cần các mối quan hệ xã hội. Ronald Burt tại đại học Chicago cũng thấy như vậy, và trong nhiều nghiên cứu của mình, ông thấy rằng khoảng cách giữa các nhân viên trong một công ty ngày càng trở nên lớn hơn. Ông cũng tìm nhiều cách để giúp các nhân viên xây dựng và củng cố các mối quan hệ, qua đó đạt điều nhiều thành công hơn.

Bạn lo lắng rằng một người hướng nội như bạn khó có thể mở rộng các mối quan hệ. Bạn cảm thấy khó khăn khi hoà nhập vào các đám đông. Nếu như vậy, bạn hãy tạo ra các cuộc giao tiếp một - một, tức là gặp gỡ một người thôi. Có một chiến thuật dành cho bạn, đó là mỗi tuần một lần, rủ một người khác nhau trong cộng đồng của bạn đi ăn trưa. Sau vài tuần hoặc vài tháng, bạn sẽ có mạng lưới bạn bè lớn hơn. Điều này không những giúp cho sự nghiệp của bạn, nó còn giúp bạn sống tươi vui hơn nữa. Đó là chiến thuật của những nhà nghiên cứu, và cũng là kinh nghiệm của riêng tôi khi tôi áp dụng.

Tự tin và tự kích thích bản thân

Nhà tâm lý học Robert Cialdini nói rằng đơn giản chỉ cần đặt bằng hay giải thưởng lên tường văn phòng. Việc này có thể giúp gây ấn tượng với người khác về khả năng của bạn. Điều này được ông minh chứng bằng một thí nghiệm ở bệng viện Arizona, khi bệnh nhân tăng lượng vận động 32% ngay lập tức khi các nhà vật lý trị liệu bắt đầu nói với bệnh nhân về bằng cấp và thành tựu của mình.

Bạn có thể tự kích thích bản thân tự tin bằng cách trên. Hoặc bạn có thể dùng cách tự kỉ ám thị, ví dụ như hét lên, hoặc luôn tự nhắc mình: “Tôi tự tin với khả năng của mình, tôi sẽ làm được điều mình muốn". Nghe có vẻ hơi buồn cười, nhưng nhiều người nói rằng nó sẽ có hiệu quả. Việc bạn muốn thực hiện điều này cũng đã giúp bạn củng cố quyết tâm để thay đổi rồi.

Kết luận: Bạn và tôi, hãy cùng hành động. Suy nghĩ không thay cho hành động được.

Cuối cùng, Suy nghĩ không thay được hành động, bởi vậy tôi rất mong sau khi bạn đọc xong, hãy hành động. Bạn hãy dành nhiều thời gian để suy nghĩ hơn. Khi người hướng ngoại đang dùng thời gian của họ bận rộn với tiệc tùng, bạn hãy dùng thời gian nghỉ ngơi của mình một cách hiệu quả, ví dụ như đọc các bài viết về chuyên ngành làm việc của bạn, hay suy nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp. Người hướng nội làm việc tốt nhất khi suy nghĩ một mình, hơn là ngồi thảo luận (Francesca Gino, giáo sư tại Harvard). Hãy bắt đầu viết hàng ngày, hãy mở rộng các mối quan hệ.