[Review] Rèn nghị lực để lập thân - nửa đầu

Tóm tắt sách

Cuốn sách mở đầu bằng một ví dụ nói lên suy nghĩ của trẻ thơ rằng cứ lại nhà băng là rút được tiền, rồi tác giả luận rằng người lớn cũng có suy nghĩ như vậy. Cứ đọc sách là có thể thay đổi tâm hồn, tài năng mà không cần tu luyện. Nghĩ thế nên đọc xong không thấy kết quả thì sinh ra chán nản.

Ta cần hiểu rằng sách là cẩm nang chứ không phải bửu bối. Sách vạch ra cho chúng ta con đường đi và phép tu thân. Muốn thay đổi đời ta thì tự ta, ta phải làm lấy, nghĩa là chính ta phải có nghị lực và kiên nhẫn thực hành lời trong sách chứ đọc suông thì hoàn toàn vô ích.

Thường cứ 10 hay 20 người thì có một người thành công. Để nhoi lên trong số đó, hễ ta muốn là được. Tất nhiên, phải biết cách muốn. Cuốn sách này chỉ cho chúng ta cách muốn.

Phần thứ nhất: Sự thành công và nghị lực


“Không có sự may mắn nào trung thành và chắc chắn hơn một nghị lực bất biến”
Juliette Boutonier

Sự thành công

Thế nào là thành công? Thành công là sử dụng phương tiện lương thiện mà đạt được mục đích của mình. Mục đích có thể to lớn hay nhỏ nhoi tùy chí hướng của mỗi người, nhưng mục đích có là gì thì nó cũng không ti tiện.

Nghịch cảnh giúp ta thành công. Rất nhiều danh nhân thành công trong nghịch cảnh, thậm chí nhờ nghịch cảnh ấy mà thành công. Trong nghịch cảnh, con người mới bị kích thích mà tìm lối thoát, mới đủ nghị lực mà đi hết con đường. Và có nghèo người ta mới dám liều vì không còn gì để mất. Không ai cầu nghịch cảnh, nhưng nghịch cảnh tới người có chí khí mỉm cười ngâm câu thơ của Nguyễn Công Trứ:
Muốn đại thụ hãy gìm cho lúng túng

Nghị lực là gì

Nghị lực là gì? Là có chí hướng và đủ năng lực thắng mọi trở ngại để đạt chí hướng ấy. Nghị lực gồm ba năng lực
  • Suy nghĩ
  • Quyết định
  • Hành động

Có sáng kiến là biết tự vạch con đường để đi, không theo ý chí của ai. Sáng kiến chỉ cần đủ để tự kiếm giải pháp cho những công việc hàng ngày. Thiếu sáng kiến thì tuyệt nhiên không được, ta sẽ chỉ như bù nhìn được người khác giật dây.

Quyết định phải nhanh để hành động cho kịp thời, không bỏ lỡ cơ hội. Cũng phải sáng suốt để sau này không thay đổi quyết định. Đức quyết đoán là quan trọng nhất trong nghị lực.

Giai đoạn quan trọng nhất là thực hành, và muốn thực hành thì phải bền chí hoạt động, gặp trở ngại gì cũng rán san phẳng cho được. Tránh các cám dỗ và bản tính thích an nhàn, dật lạc của loài người.

Xong 3 tính ấy cũng nên vừa phải, quá mức thì lại có hại cho nghị lực. Sáng kiến quá sinh ra mơ mộng. Quyết đoán quá sinh nông nổi. Bền gan quá có khi sinh bướng bỉnh và bảo thủ.

Có ai thiếu hẳn nghị lực không

Nhiều người tin rằng nghị lực là năng lực trời cho. Thực chất, nghị lực gồm ba năng lực mà ai cũng có. Mỗi ngày ta đều phải dùng để quyết định những điều lớn nhỏ. Không một người nào sinh ra thiếu nghị lực, chỉ có những người có bệnh về nghị lực thôi.

Những bệnh về nghị lực

Bệnh về sáng kiến:
  • Người không có sáng kiến, nhu nhược, không biết phải làm gì. Cứ nhất nhất theo sự sắp đặt của người khác.
  • Người có quá nhiều sáng kiến, luôn trái với người khác.
  • Không biết mình muốn gì, vì không muốn gì hết.
Bệnh về quyết định
  • Không chịu quyết định, để người khác thúc giục thì mới làm. Lúc thi mới học, dự án cuối deadline mới làm. Kiểu đó kết thúc công việc rồi tất liệng sách vở, giấy tờ đi liền.
  • Thay đổi quyết định thất thường: Do quyết định vội quá, nhưng thường là không cso chí theo tới cùng.
Bệng về hoạt động
  • Người mê lý tưởng: Không làm việc gì hết vì không thấy có việc gì đáng làm. Cứ phải chờ điều kiện này, điều kiện nọ rồi mới làm. Loại người này có thể thông minh nhưng bất lực và vô ích cho xã hội.
  • Lý luận chu đáo quá tới mức không muốn hoạt động. Cái gì cũng thấy thất bại, cũng sợ rủi ro. Là loại người lý sự. Tệ nhất là không làm nhưng lại đi châm biếm người khác, dội nước lạnh vào lòng hăng hái của người khác.
  • Quá hăng hái, không biết do dự. Họ thành ra độc tài, mù quáng và bảo thủ.

Phần thứ hai: Rèn nghị lực, chính tình cảm dẫn đạo thế giới

Lý trí và tình cảm

Lý trí có vai trò quan trọng giúp ta xét xem thế là là cân bằng trong mọi hoàn cảnh, giúp ta không bi quan cũng không chủ quan. Chọn được bước đi, công việc phù hợp. Công việc mới khó khăn ta không bỏ, công việc mới chớm thành công ta không quá tin mà vội khuyếch trương. Móng chưa chắc đã xây tường.

Lợi dụng tình cảm có ích cho nghị lực


Biết chưa đủ, còn phải muốn, muốn một cách mãnh liệt nữa. Đó là tình cảm, nó mạnh hơn và luôn chiến thắng lí trí. Hãy lợi dụng lòng ham lợi, ham danh và tình yêu để hoạt động được hăng hái, bền bỉ.

Trong đó ham lợi ít cao thượng hơn ham danh, và ham danh ít cao thượng hơn tình yêu.

Chẳng yêu được cái chân, cái mỹ, cái thiện thì cứ nghĩ tới cái lợi, cái danh. Miễn sao hành động không có gì đê mạt.

Đàn áp tình cảm có hại cho nghị lực

  • Diệt tình cảm có hại như: Lòng ham vui, tính làm biếng, sợ gắng sức, sợ kỉ luật. Thử nghĩ nếu để thị dục thắng một lần, nó sẽ thắng mãi. Thử nghĩ tới những người ham chơi, biếng nhác, bạn sẽ khing và không muốn là họ nữa.
  • Dùng tự kỉ ám thị: Mỗi ngày, trong lúc vắng, lặp lại câu này:
“ Tôi có nghị lực, không sợ khó nhọc, theo đuổi mục đích tới cùng và sẽ thành công"
  • Lợi dụng tình cảm có hại: Con người vốn lười. Hãy tạo ra dụng cụ hay sắp xếp ngăn nắp để chúng ta được lười.

Đức tự chủ

Tình cảm quá mạnh, say mê quá lớn dễ làm ta nhầm lẫn, bởi vậy phải biết tự chủ. Để rèn được nghị lực thì cần phải làm chủ được cảm xúc. Hãy ráng bình tĩnh khi gặp cảm xúc mạnh. Thở đều nén giận, sau đó thấy cần trả lời mới trả lời với lí lẽ xác đáng. Đức bình tĩnh là cần thiết cho nghị lực, nhưng không nên thái quá sẽ làm ta lạnh đạm, lạnh lùng.

Người không mục đích như thuyền không lái

Phần này bàn phương pháp rèn nghị lực

Phần đông thanh niên ra trường không biết mình muốn cái gì


Không muốn thì không bao giờ được cái gì cả. Biết muốn là bước quan trọng nhất để thành công.
Học sinh đều để cho nhà trường và số phận định đoạt cho mình cả. Ra trường, họ không được dẫn dắt từng bước nữa sinh ra bỡ ngỡ, ngay như quan trọng nhất là chọn nghề, họ cũng không có ý kiến gì hết. Trường học không dạy họ cách muốn. Thanh niên như con tàu không bánh lái, gió nước đẩy đi đâu thì đi đó, không mong gì tới bến.

Ta muốn cái gì?

Muốn thành công, phải vạch ra cho đời một mục đích, càng sớm càng tốt. Mục đích nào tuỳ bạn nhưng nó phải thiết thực, đừng muốn quá nhiều thứ.
Trong cuộc sống, trước khi làm gì, ta hãy tự hỏi “Ta muốn cái gì đây?”

Phải muốn cách nào

Không phải cứ muốn là được. Muốn những gì sức ta có thể thì mới được.
Chia công việc thành từng phần, từng giai đoạn nhỏ để thực hiện. Giai đoạn nhỏ lại chia thành nhỏ hơn, để ta chỉ nhìn thấy mục đích mỗi tuần thôi, rồi có thể hoàn thành mà không mệt mỏi.
Nếu bạn chưa vạch được mục đích cho đời mình thì tuần này hãy vạch ra đi. Rồi xét xem nó có hợp không và có khả thi không. Có mục đích rồi hãy vach ngay ra kế hoạch, bao nhiêu năm, mỗi tháng làm gì.
                     
        
  
    
   

   
    
     

[Review] Rèn nghị lực để lập thân p1 - Nhận xét chung

Vài nhận xét về sách

Nếu bạn đang tìm một cuốn sách giúp bạn rèn nghị lực, định hướng cho thành công trong sự nghiệp của mình, tôi xin giới thiệu cho bạn cuốn “Rèn nghị lực để lập thân” của bác Nguyễn Hiến Lê viết. Cuốn này, bằng kinh nghiệm từng trải trong nhiều ngành nghề của mình và tham khảo rất nhiều chia sẻ của các vĩ nhân khác, bác Lê chỉ ra rất đúng bệnh thiếu nghị lực, không biết định hướng của mình là gì của thanh niên Việt Nam. Cuốn sách sẽ không chỉ cho bạn biết cụ thể đam mê của bạn là gì, vì chỉ có bạn mới có thể tìm được nó bằng cách thử làm, nhưng sẽ giúp bạn biết cách tìm kiếm nó và có nghị lực để thực hiện nó.



Bằng lối kể chuyện thực tế, qua những ví dụ cụ thể, bác Lê đưa ra những lý lẽ thuyết phục và dễ hiểu. Sách ngắn thôi, chỉ khoảng 60 trang nhưng mang nhiều ý nghĩa, giúp chúng ta tạo động lực làm việc. Có lẽ đây là cuốn sách tôi thích nhất trong tủ sách Nguyễn Hiến Lê.

Dù những phương pháp mà cuốn sách đưa ra khá ấn tượng với tôi, nhưng bộ não con người vốn sinh ra để quên, thế nên mọi điều muốn nhập tâm đều phải ôn lại. Phần này tôi tóm tắt cuốn sách để khi ôn lại mà không đủ thời gian đọc cả cuốn sách thì tôi đọc tóm tắt thôi, cũng đủ để nhắc nhở mình.

Những phần tiếp theo tôi sẽ tóm tắt sách.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Lịch sử đền Hùng

Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba
Sắp tới lễ hội đền Hùng, tôi cũng muốn một lần tham dự. Trước khi tới, tôi muốn tìm hiểu một chút về đền Hùng và lịch sử của 18 đời vua Hùng. Thông tin lịch sử này có thể tham khảo từ Wikipedia, website của đền Hùng và một bài viết rất hay, chi tiết ở trang lịch sử Việt Nam.

Các bài viết có nhiều thông tin, tới cả tên của 100 con của Lạc Long Quân và Âu Cơ (Tôi cũng hơi ngạc nhiên khi họ có thể liệt kê được tên của 100 người con này). Tôi liệt kê lại một số ý mà tôi thấy hữu ích.


Thông tin về đền Hùng


Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Xưa thuộc kinh đô Phong Châu của thời Văn Lang. Được xây từ thời Đinh Tiên Hoàng tới thời Hậu Lê (thế kỉ 15) thì hoàn chỉnh. Được nhà nước ta công nhận là di tích từ năm 1962.

Đền Hùng có 4 đền chính:


  • Đền Hạ: Tương truyền là nơi Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng
  • Đền Trung: Nơi vua Hùng và quan du ngoạn và bàn việc nước
  • Đền Thượng: Đặt trên núi. Tiến hành nghi lễ tín ngưỡng nông nghiệp.
  • Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hoa và Tiên Dung soi gương, vấn tóc.
Hiện nay, nước ta đã đầu tư và xây thêm nhiều đên xung quang đền chính, gồm đền chúa Mẫu và đền Lạc Long Quân, bảo tàng, nhà khách, v.v. Đó là thông tin về đền. Còn về lịch sử 18 đời vua Hùng, theo lời của các học giả thì 18 đời vua Hùng là khoảng 400 năm ứng với văn hóa Gò Mun, Đông Sơn, trước đó là bộ lạc từ 3000 năm TCN. Di tích khảo cổ lâu nhất tìm được là di tích khảo cổ Đồng Đậu (3500 năm).

Các truyền thuyết


Vì vua Hùng phần nhiều là truyền thuyết nên tôi quan tâm tới các tích cũ về thời Văn Lang hơn. Các câu chuyện cổ tích sau được lấy từ trang lịch sử Việt Nam.


Bọc trăm trứng


Vua đầu là Kinh Dương Vương, cháu 4 đời Viêm đế thần nông (Thần cai quản nông nghiệp của trời). Kinh Dương Vương kết hôn với Thần Long nữ, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân gặp Âu Cơ ở động Lăng Xương, kết thành vợ chồng rồi đưa về núi Nghĩa Lĩnh. Sau đó sinh 100 con. 50 theo mẹ lên núi, 49 theo cha xuống biển. Còn con cả là Hùng Vương làm vua, lấy tên nước Văn Lang.


Phù Đổng thiên vương


Đời Hùng vương thứ 16, nước Văn Lang bị giặc Ân xâm lược. Vua sai sứ giả đi tìm người tài đánh quân xâm lược. Làng Phù Đổng có cậu bé 3 tuổi vươn mình lên cao lớn, xin vua giáp sắt, ngựa sắt, roi sắt đi đánh giặc. Đánh xong giặc Ân cưỡi ngựa bay về trời. Vua lập miếu thờ Phù Đổng Thiên Vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh. Tích còn cho rằng cậu bé trước đó chỉ là sọ dừa.


Bánh chưng bánh dày


Vua Hùng thứ 6 thi cỗ kén rể. Lang Liêu mẹ mất không đi xa được, mới tìm cách nấu gạo nếp thành bánh chưng và bánh dày tượng trưng cho trời và đất. Vua mới truyền ngôi cho và thành vua Hùng thứ 7.


Sự tích dưa hấu


An Tiêm là con nuôi vua Hùng, nói năng kiêu ngạo nên bị đày ra đảo. Ra đảo hoang phát hiện ra dưa hấu da xanh, lòng đỏ do chim mang tới mới trồng và phát triển. Phát triển tốt nên vua ra đảo đón về.


Chử Đồng Tử


Công chúa Tiên Dung là con vua Hùng thứ 18. Một lần dạo chơi mới căng màn tắm bên sông. Không ngờ nước dội cát trôi lộ ra Chử Đồng Tử không mảnh áo che thân vì quá nghèo. Công chúa cho là định mệnh mới lấy làm chồng. Vua tức giận sai lính tới bắt thì phần đất quanh Chử Đồng Tử bay lên trời.


Sơn Tinh, Thủy Tinh


Thần núi, thần biển đến cầu hôn Ngọc Hoa, con gái vua Hùng thứ 18. Vua Hùng thách cưới voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Sơn tinh mang tới trước nên cưới được vợ. Thủy Tinh giận dữ dâng nước lên đuổi theo Sơn Tinh. Sơn Tinh dâng núi lên chặn nước. Các loài dã thú đánh thắng thủy tộc, Thủy Tinh thua lui về nhưng hàng năm đều dâng nước lên gây ra lụt lội.


Cột đá thề


Vua Hùng 18 không có con trai, nhường ngôi cho con rẻ Nguyễn Tuấn (tức Tản Viên, Sơn Tinh). Thục Phán là cháu vua Hùng (tướng bộ lạc Tây Vu) đem quân tới trang ngôi. Tản Viên khuyên vua Hùng nhường ngôi cho Thục Phán. Phán cảm kích dựng hai cột đá thề lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề rằng kế tục và giữ nước, thờ phụng các vua Hùng. Sau đó Thục Phán xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa, lấy tên nước là Âu Lạc.

PS. Điều tôi thấy lí thú nhất là tên Sơn Tinh là Nguyễn Tuấn, trùng với tên tôi.
                     
        
  
    
   

   
    
     

Ý nghĩa câu thành ngữ "mèo mả gà đồng"

Câu thành ngữ "mèo mả gà đồng" thực nghe quá rõ ràng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Có hai cách hiểu, mà thông dụng hơn là cách hiểu ám chỉ người lăng nhăng, sống buông thả trong quan hệ nam nữ. Cách hiểu này đến từ hành động của mèo mả và gà đồng là mèo hoang và gà hoang, sử dụng chuyện mèo-gà ám chỉ chuyện trăng hoa, yêu đương không nằm trong lễ giáo gia đình. Cũng có thể hiểu là loại người vô lại, không có chỗ ở, lang thanh như mèo ở bãi tha ma hay gà ở đồng. Như trong truyện Kiều, khi Hoạn bà nhiếc Thúy Kiều, ý nói hạng đàn bà con gái bỏ nhà đi hoang.
Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.
Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào.
Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này.
                                 (Truyện Kiều, 1730-1735)

Điều tôi muốn nói ở trong bài viết này là nhiều cách hiểu ngộ nghĩnh của cộng đồng. Đầu tiên, đó là nhiều người vẫn gọi nó là một câu tục ngữ. Mèo mả gà đồng không phải là một câu, nên không thể là tục ngữ. Thứ hai là một số cách hiểu của các học giả. Thứ ba là một số cách hiểu của các độc giả phổ thông.

Hiểu lầm đầu tiên là học giả Lê Gia, trong '1575 tục ngữ cần bàn thêm' - NXB Văn Nghệ 2009, cho rằng mèo mả cũng là 'mèo mã' hay nói cách khác là 'mèo mỡ'. Ý nói mèo mã giống như hàng mã, chỉ có cái vỏ ngoài. Mèo mã ám chỉ các cô gái chỉ có cái vẻ bề ngoài, lẳng lơ, chơi bời. Còn mèo mỡ ám chỉ con mèo vờn cục mỡ. Về ý hiểu này, học giả An Chi, trong báo đời sống 2011, thẳng thừng bác bỏ và nói rằng cách suy luận này không những vô lý về từ ngữ và chính tả, còn sai về nội dung khi đổi mèo mả là mèo hoang thành mèo mỡ là mèo nhà (link). Cụ An Chi cũng dẫn chứng thêm câu "mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm" để khẳng định thêm mèo mả là đúng.

Hiểu lầm thứ hai là nhiều học giả cho rằng con gà đồng là con ếch. Về vấn đề này, cụ An Chi cũng có giải thích cụ thể và chỉ ra cách hiểu này là sai trong một bài hỏi đáp. An Chi có nói trong Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng giải thích con gà đồng là con ếch, xong là không đúng. Nhiều học giả bác bỏ quan điểm này như từ điển Việt Nam phổ thông của Đào Văn Tập, từ điển truyện Kiều của Đào Duy Anh. Một cách trực tiếp hơn, Nguyễn Quảng Tuân có giảng: "Giảng 'gà đồng' là con ếch thì chẳng có ý nghĩa gì. Mèo mả gà đồng ở đây được đặt đối nhau, mèo ở mả, gà ở đồng. Mèo ở mả là mèo hoang, gà ở đồng là gà hoang sống ở đồng nội. Người ta ví hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định ... . Gà đồng đâu có phải chữ nói lóng mà giảng là con ếch?"

Trong cộng đồng mạng, đa số các câu trả lời đều nói câu thành ngữ ám chỉ phụ nữ quan hệ lăng nhăng, bất chính. Xong cũng có nhiều câu trả lời loanh quanh mà còn tới mức buồn cười. Ví dụ như trong một forum hỏi đáp, có câu trả lời rằng: "Mèo mả gà đồng: là con mèo con và con gà rau rãu đồ 2 lạng nuôi trong nhà. Khi có người chết, Pháp sư, Thày cúng căn cứ vào ngày giờ chết mà yểm đảo , bùa phù cho yên linh hồn và gia đình con cháu người chết được an toàn. 2 con này được đem ra ngoài đồng chỗ chôn mộ mới, làm phù phép xong thì thả chúng ở đấy, nó tự kiếm ăn mà sống tồn tài được. Mèo trở thành mèo hoang lang chạ, gà có thể bị cáo cầy ăn thịt. Không ai dám bắt về nuôi hay ăn thịt,vì là thứ yểm đảo bỏ đi." Hay lại có ý kiến: "Mả ở đây chỉ bề ngoài mẫu mả. Là con mèo no giống con chuột Ý muốn nói sự bạc nhược yếu ớt của con người và châm biến sự thiếu hiểu biết của những kẻ bạc nhược đó". Thật đọc những câu trả lời như thế này thì cũng dễ quay cuồng đầu óc, không biết đâu là nghĩa thực.

                     
        
  
    
   

   
    
     

Rèn luyện ý chí, đọc nhiều sách và có một cuốn sách tâm đắc

Đọc sách, thấy những ví dụ thực tế như một câu nói, một đoạn hội thoại. Tôi tặc lưỡi, những ví dụ ấy đều do tác giả nghĩ nát óc mới ra, mình làm sao có thể trở thành như vậy được. Thế là tôi nghi ngờ và không HÀNH ĐỘNG, vì cái ý nghĩ có hành động cũng chẳng được gì.

Thế nhưng tôi nhận thấy rằng có nhiều lúc tôi có những câu nói rất hóm hỉnh. Nhiều lúc tôi làm đối phương cười nghiêng ngả. Như vậy hoàn toàn có nghĩa rằng tôi có khả năng. Vấn đề còn lại là phải phát huy nó thường xuyên hơn. Làm thế nào? Chỉ có một cách là luyện tập. Luyện tập thế nào? Có vô vàn cách, ví dụ như các cách trong sách rèn nghị lực để lập thân, sách con đường lập thân, và nhiều sách khác. Mỗi sách lại chỉ cho ta một cách luyện tập, và có lẽ tất cả đều đúng. Có điều luyện tập theo quá nhiều sách nhiều khi cũng làm ta thấy đuối sức. Vậy thì nên luyện tập thế nào?

Theo tôi, ta cứ luyện tập theo các sách chỉ dẫn, xem nó có hợp không, có hiệu quả không. Luyện tập từ từ, không nóng vội cho hết sách vì mục đích của ta là luyện tập chứ không phải để đọc được nhiều sách đặng mà ra buôn chuyện, tán phét với bạn bè. Sau đó, nên có một cuốn tâm đắc nhất để đọc lại mỗi tháng. Sách nào thì có lẽ tùy mỗi người, bởi không ai giống ai.

Tôi cũng xin chia sẻ cuốn sách của tôi, có thể bạn sẽ thấy phù hợp chăng. Hoàn cảnh thì tôi là một nghiên cứu sinh, mà trước kia tôi không xác định được là tôi thích cái gì cả. Tôi tìm đọc những lời khuyên của người đi trước và thấy rằng nghị lực, tính quyết đoán thực sự quan trọng. Lựa chọn rồi hành động nhanh chóng và không hối hận về quyết định. Còn điều cần làm cụ thể thì tuỳ tình huống mà có những quyết định khác nhau. Tính cách này có thể áp dụng vào mọi hoàn cảnh trong cuộc sống. Cuốn sách tôi yêu thích là rèn nghị lực để lập thân của bác Nguyễn Hiến Lê.

Sáng ngủ dậy, quyết định nướng thêm năm phút hay bật dậy, ấy cần tính quyết đoán. Bạn sắp mua một cái điện thoại, bạn nhanh chóng ghi ra giấy nhu cầu của mình rồi mua một cái điện thoại phù hợp với giá cả, hay mất hàng ngày trời ngồi đọc rồi phân vân, ấy cần tính quyết đoán. To lớn hơn, khi phải lựa chọn ngã rẽ cho sự nghiệp của mình, bạn nhanh chóng viết ra giấy những gì mình thích, rồi tổng hợp lại để tìm hướng đi phù hợp, hay lần chần phân vân, rồi để cơ hội cứ qua đi, ấy lại càng cần quyết đoán. Trong tình yêu cũng cần quyết đoán. Bạn cân nhắc thấy đối phương có những điểm phù hợp với mình, quyết định tiến tới và sẽ khắc phục những điểm không phù hợp, hay bạn phân vân, để rồi hối tiếc khi qua đi. Ấy cần quyết đoán quá đi chứ.

Trước đây tôi không hay có chính kiến, mọi chuyện sao cũng được. Trong một nhóm, ai ra ý kiến gì là tôi hùa theo. Ấy là thiếu quyết đoán và nó có hại. Nó làm cho tôi lười suy nghĩ, lười vận động vì tính ỷ lại. Nó cũng làm tôi nhút nhát, không dám giao tiếp. Giờ đây tôi luôn tự nhắc nhở mình phải quyết đoán. Mọi tình huống dù lớn hay nhỏ tôi đều xem xét các lựa chọn và đưa ra ý kiến.